Một trong các phong trào nổi bật phải kể đến những ngày tháng "đào kênh" – chiến dịch mà toàn dân quê tôi đồng tâm,ênhtựtìyola hợp sức tương trợ nhau. Và, ấp Ràng, xã Trung Lập Thượng nơi tôi sinh ra, lớn lên cũng có nhiều chuyện tình đơm hoa rất đẹp nơi triền đê bên dòng kênh xanh mướt.
Kênh Đông đã được bê tông hóa
Én Nhỏ
Kênh Đông trong lòng "đất thép"
Những năm tháng chiến tranh khốc liệt, sự thiếu thốn cái ăn, cái mặc luôn là nỗi ám ảnh của bà con nông dân. Họ chật vật với miếng cơm đã đành, lại còn phải đối mặt với cảnh thiếu nước dai dẳng. Nguồn nước sạch vô cùng khan hiếm, mùa hạn hán đến, những cái giếng dùng trong sinh hoạt hằng ngày cũng cạn queo, đặc quánh huống gì nước để trồng trọt. Với bà con nông dân mà nói, nước chính là sự sống, ruộng đồng có nước mới được tốt tươi.
Từ ý nghĩ đó, chiến dịch "đào kênh khơi thông dòng nước" ra đời. Điều kiện lúc bấy giờ còn nhiều hạn chế (không có phương tiện hỗ trợ), nên những vật dụng như cuốc xẻng cộng với sức người ròng rã mang theo, với duy nhất một niềm tin "sỏi đá nở hoa".
Đến năm 1985, công trình kênh Đông được đưa vào sử dụng. Mạch nước chính dẫn từ hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh) nối dài vào các xã đã mang lại cho bà con toàn huyện Củ Chi niềm hạnh phúc vô biên.
Công trình được 3 nhóm thầu kết hợp cùng địa phương, dưới sự hỗ trợ của bà con. Mỗi người phần việc, đơn vị thầu thì phụ trách khâu đo đạc, tuyển nhân công – họ đến từ các huyện vùng ven Sài Gòn như: Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ hoặc trải dài ở các tỉnh miền Tây; còn địa phương thì vận động bà con trong ấp chung tay, tạo điều kiện chỗ lưu trú cho nhóm nhân công trong suốt thời gian công trình đào kênh diễn ra.
Khi tôi chào đời, dòng kênh đã giáp thôi nôi. Nhưng tôi may mắn được ngồi nghe chuyện xưa từ ông bà, cô chú lớn tuổi mỗi khi họ nhìn ra dòng nước trước nhà. Tôi như còn nhìn thấy ánh mắt hấp háy niềm thương trên từng vết chân chim bồi hồi của họ.
"Những ngày đào đất, đắp bờ mệt mà vui", tiếng kể cứ lâu lâu bị ngắt quãng vì xúc động của những người tham gia trực tiếp công trình. Chốc chốc câu chuyện lại bắt qua vài gương mặt e thẹn của các chị khi nghe nhắc đến tên mình. Các chị là những cô dâu trong mùa hoa kết trái, từ những ngày đào kênh vất vả, gian lao mà có nhau ấm áp.
Chuyện tình của những chuyện tình
"Hồi đó, nhóm đào kênh khổ lắm em, gạo phải đi xin. Ăn thì chỉ vài con khô cá kèo bé xíu nấu với bầu, thêm mấy cọng rau, mà ngày nào cũng như ngày nấy. Thương lắm!", lời kể ngọt lịm sau chữ "thương lắm" của chị Gái – một trong những cô thôn nữ kết duyên cùng chàng thanh niên bám công trình đào kênh thuở ấy. "Con kênh xanh xanh" nơi đã chứng kiến tình yêu của rất nhiều cô gái như chị.
Chị Gái còn kể thêm vài kỷ niệm đáng yêu, mối tình thuở đôi mươi cùng anh xã của mình. Anh tên Nhẫn, quê ở tận Gò Đen của tỉnh Long An – nơi mà bà con di chuyển chủ yếu bằng xuồng hoặc đi bộ, nên hồi mới "cưa cẩm" nhau, chị đèo anh trên xe đạp để dạy anh cách đạp xe khiến "ai thấy cũng ghẹo quá chừng".
Tiếp lời chị, mẹ tôi giọng cũng bồi hồi góp vào câu chuyện bằng sự hồi tưởng về những ngày cực nhọc mà thấm tình: "Nhớ lúc đó, người vác xẻng, người cầm cuốc cứ đào và đào với niềm tin tìm thấy mạch nước ngầm. Có khi ban ngày đào chưa xong, tối chong đèn đào tiếp...". Lời mẹ tôi hòa trong gió khiến tôi mường tượng ra khung cảnh dưới chân là đất đá khô cằn, trên là cả bầu trời sáng lấp lánh...
Dòng nước tưới mát không chỉ những ngày khô hạn trên cánh đồng mùa nắng, mà còn tắm mát cho những phận người tứ tán mưu sinh.
Nhân công theo công trình được trả 1 mét mấy chục đồng. Nhưng với họ, có việc làm để chắt chiu từng đồng bạc gửi về quê là cả một niềm vui. Bù lại, họ được bà con trong ấp hết mực yêu thương. Cứ mỗi nhà dân chứa tầm khoảng 8 - 10 nhân công. Có nhà quá chật thì hễ có rau cho rau, có củi cho củi, còn gạo thì các anh thay phiên nhau cuối tuần lội bộ gần 5 cây số để xếp hàng lãnh từ các chủ thầu phát về nhà dân nấu. Cơm chín, cả tốp lại í ới nhau, xúm xít, quây quần bên mâm cơm thấm tình thương của những người tứ xứ, tha phương mà như thể ruột rà.
***Thời gian như con thoi mải miết quay đều, dòng kênh Đông giờ đã thay da đổi thịt, bê tông nâng cấp. Hai bên đường kênh cũng dần nông thôn hóa. Mọi thứ thay đổi theo nhu cầu phát triển của xã hội. Thế nhưng, mỗi khi vụ mùa tới, câu chuyện về dòng kênh này vẫn còn lưu truyền, ngân vang mãi dù qua bao thế hệ, như một cách giữ gìn nét đặc trưng của nguồn cội, của hai tiếng quê hương thắm đậm muôn đời...